Các hoạt động đối ngoại Chúa_Nguyễn

Bức thư Thụy Quốc Công Nguyễn Phúc Nguyên gửi cho Tokugawa Ieyasu. Trên thư đóng dấu ấn triện Trấn thủ tướng quân chi ấn (鎮守將軍之印), cùng dòng chữ: An Nam quốc thiên hạ thống binh đô nguyên soái Thụy Quốc công (安南國天下統兵都元帥瑞國公).

Giao thiệp với Chân Lạp

Nguyên nước Chân Lạp ở vào quãng dưới sông Mê-kông, có lắm sông nhiều ngòi, ruộng đất thì nhiều mà nước ta thường hay mất mùa, dân tình phải đói khổ luôn, và lại vào lúc chúa Nguyễn, chúa Trịnh đánh nhau, cho nên nhiều người bỏ vào khẩn đất, làm ruộng ở Mô-xoài (Bà Rịa) và ở Đồng Nai.

Năm Mậu Tuất (1658), vua nước Chân Lạp mất, chú cháu tranh nhau ngôi vị, sang cầu cứu bên chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn bấy giờ là chúa Hiền sai quan đem 3.000 quân sang đánh ở Mỗi-xuy (nay thuộc tỉnh Đồng Nai) bắt được vua nước ấy là Nặc Ông Chân đem về giam ở Quảng Bình một độ, rồi tha cho về nước, bắt phải triều cống và phải bênh vực người Việt sang làm ăn ở bên ấy.

Năm Giáp Dần (1674), nước Chân Lạp có người tên Nặc Ông Đài đi cầu viện nước Xiêm-la để đánh Nặc Ông Nộn.

Nặc Ông Nộn bỏ chạy sang cầu cứu ở dinh Thái Khang (nay là Khánh Hòa). Chúa Hiền bèn sai Cai cơ đạo Nha Trang là Nguyễn Dương Lâm cùng với Nguyễn Đình Phái làm tham mưu đem binh chia ra hai đạo sang đánh Nặc Ông Đài, phá được đồn Sài Gòn, rồi tiến quân lên vây thành Nam Vang (Phnom Pehn). Nặc Ông Đài phải bỏ thành chạy vào chết ở trong rừng. Nặc Ông Thu ra hàng. Nặc Ông Thu là chính dòng con trưởng cho nên lại lập làm chính vương đóng ở Longúc, để Nặc Ông Nộn làm phó vương, đóng ở Sài Gòn, bắt hằng năm phải triều cống.

Năm Kỷ Tỵ (1679) có quan nhà Minh là tổng binh trấn thủ đất Long Môn (Quảng Tây) Dương Ngạn Địch, phó tướng Hoàng Tiến, tổng binh châu Cao, châu Lôi, và châu Liêm (thuộc Quảng Đông) là Trần Thượng Xuyên, phó tướng Trần An Bình, không chịu làm tôi nhà Thanh, đem 3000 quân cùng 50 chiếc thuyền sang xin ở làm dân Việt Nam. Chúa Hiền nhân muốn khai khẩn đất Chân Lạp, bèn cho vào ở đất Đông Phố (tức là đất Gia Định). Bọn Ngạn Địch chia nhau ở đất Lộc Đã (tức là đất Đồng Nai), ở Mỹ Tho (thuộc Tiền Giang), ở Ban Lân (thuộc Đồng Nai) rồi cày ruộng làm nhà lập ra phường phố, có người phương Tây, người Nhật Bản, người Chà Và (Java) đến buôn bán đông lắm.

Năm Mậu Thìn (1688) những người khác ở Mỹ Tho làm loạn. Hoàng Tiến giết Dương Ngạn Địch đi, rồi đem dân chúng đóng đồn ở Nan Khê, làm tàu đúc súng để chống nhau với người Chân Lạp. Vua Chân Lạp là Nặc Ông Thu cũng đào hào đắp lũy để làm kế cố thủ và bỏ không chịu thần phục chúa Nguyễn nữa.

Bấy giờ chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Trăn sai quan đem quân đi đánh dẹp, dùng mưu giết được Hoàng Tiến và bắt vua Chân Lạp phải theo lệ triều cống.

Năm Mậu Dần (1698), chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Chu sai ông Nguyễn Hữu Kính làm kinh lược đất Chân Lạp, chia đất Đông Phố ra làm dinh, làm huyện, lấy Đồng Nai làm huyện Phúc Long và Sài Gòn làm huyện Tân Bình. Đặt Trấn Biên dinh (tức là đất Biên Hòa, Đồng Nai) và Phan Trấn dinh (tức là Gia Định) sai quan vào cai trị. Lại chiêu mộ những lưu dân từ Quảng Bình trở vào để lập ra thôn xã và khai khẩn ruộng đất. Còn những người Tàu ở đất Trấn Biên (Đồng Nai) thì lập làm xã Thanh Hà, những người ở đất Phan Trấn (Gia Định) thì lập làm xã Minh Hương. Những người ấy đều thuộc về sổ bộ nước ta.

Bấy giờ lại có người khách Quảng Đông tên là Mạc Cửu, trong khi nhà Thanh cướp ngôi nhà Minh bên Tàu, bỏ sang ở Chân Lạp, thấy ở phủ Sài Mạt có nhiều người các nước đến buôn bán, bèn mở sòng đánh bạc, rồi lấy tiền chiêu mộ những lưu dân lập ra 7 xã, gọi là Hà Tiên. Năm Mậu Tý (1708) Mạc Cửu xin nội thuộc chúa Nguyễn, được chúa Nguyễn phong cho làm chức Tổng trấn giữ đất Hà Tiên.

Đến khi Mạc Cửu mất, chúa Nguyễn lại phong cho con Mạc Cửu là Mạc Thiên Tứ làm chức Đô đốc, trấn ở Hà Tiên. Mạc Thiên Tứ đắp thành, xây lũy, mở chợ, làm đường và rước thầy về dạy Nho học để khai hóa đất Hà Tiên.

Thời bấy giờ đất Chân Lạp cứ loạn lạc luôn. Năm Kỷ Mão (1699), vua nước ấy là Nặc Ông Thu đem quân chống với quân chúa Nguyễn. Chúa sai quan Tổng suất Nguyễn Hữu Kính sang đánh. Quân chúa Nguyễn sang đến thành Nam Vang, Nặc Ông Thu bỏ chạy, con Nặc Ông Nộn là Nặc Ông Yêm mở cửa thành ra hàng. Sau Nặc Ông Thu cũng về hàng, xin theo lệ triều cống như cũ. Quân chúa Nguyễn rút về.

Được ít lâu vua thứ hai là Nặc Ông Nộn mất, vua thứ nhất là ông Nặc Ông Thu phong cho con Nặc Ông Nộn là Nặc Ông Yêm làm quan và lại gả con gái cho. Sau Nặc Ông Thu già yếu, truyền ngôi cho con là Nặc Ông Thâm.

Năm Ất Dậu (1705), Nặc Ông Thâm nghi cho Nặc Ông Yêm có ý làm phản, bèn khởi binh đánh nhau. Nặc Ông Thâm lại đem quân Xiêm-la về giúp mình. Nặc Ông Yêm phải chạy sang cầu cứu ở Gia Định.

Chúa Nguyễn sai quan Cai cơ là Nguyễn Cửu Vân sang đánh Nặc Ông Thâm. Nguyễn Cửu Vân sang phá được quân Xiêm-la; đem Nặc Ông Yêm về thành La Bích. Từ đó Nặc Ông Thâm ở Xiêm-la, thỉnh thoảng đem quân về đánh Nặc Ông Yêm.

Năm Giáp Ngọ (1714) quân của Nặc Ông Thâm về lấy thành La Bích và vây đánh Nặc Ông Yêm nguy cấp lắm. Nặc Ông Yêm sai người sang Gia Định cầu cứu. Quan Đô đốc Phiên Trấn (Gia Định) là Trần Thượng Xuyên và quan Phó tướng Trấn Biên (Biên Hòa) là Nguyễn Cửu Phú phát binh sang đánh, vây Nặc Ông Thu và Nặc Ông Thâm ở trong thành La Bích. Nặc Ông Thu và Nặc Ông Thâm sợ hãi, bỏ thành chạy sang Xiêm-la. Bọn ông Trần Thượng Xuyên lập Nặc Ông Yêm lên làm vua Chân Lạp. Năm Tân Hợi (1729), quân Chân Lạp sang quấy nhiễu ở Gia Định. Chúa Nguyễn bèn đặt Sở Điều khiển để thống nhiếp việc binh ở mạn ấy.

Năm Bính Thìn (1736) Nặc Ông Yêm mất, con là Nặc Ông Tha lên làm vua. Đến năm Mậu Thìn (1747), Nặc Ông Thâm lại ở bên Xiêm-la về, cử binh đánh đuổi Nặc Ông Tha đi, rồi chiếm lấy ngôi làm vua. Nặc Ông Tha phải bỏ chạy sang Gia Định.

Được ít lâu thì Nặc Ông Thâm mất, con là Nặc Đôn, Nặc Hiên và Nặc Yếm tranh nhau. Chúa Nguyễn bèn sai quan Điều khiển là Nguyễn Hữu Doãn đem quân sang đánh bọn Nặc Đôn và đem Nặc Ông Tha về nước.

Nặc Ông Tha về được mấy tháng lại bị người con thứ hai của Nặc Ông Thâm là Nặc Nguyên đem quân Xiêm-la sang đánh đuổi đi. Nặc Ông Tha chạy sang, chết ở Gia Định.

Nặc Nguyên về làm vua Chân Lạp thường hay hà hiếp rợ Côn-man và lại thông sứ với chúa Trịnh ở ngoài Bắc để lập mưu đánh chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn biết tình ý ấy, đến năm Quý Dậu (1753), sai Nguyễn Cư Trinh sang đánh Nặc Nguyên. Năm Ất Hợi (1755) Nặc Nguyên thua bỏ thành Nam Vang chạy sang Hà Tiên nhờ Mạc Thiên Tứ.

Năm sau, Mạc Thiên Tứ dâng thư về nói rằng Nặc Nguyên xin dâng hai phủ Tầm Bôn và Lôi Lạp để chuộc tội, và xin cho về nước. Chúa Nguyễn không muốn cho. Bấy giờ ông Nguyễn Cư Trinh dâng sớ bày tỏ cách khai thác nên dùng kế "tầm thực" nghĩa là nên lấy dần dần như con tầm ăn lá, thì mới chắc chắn được. Chúa Nguyễn nghe lời ấy bèn nhận hai phủ và cho Nặc Nguyên về Chân Lạp.

Năm Đinh Sửu (1759), Nặc Nguyên mất, chú họ là Nặc Nhuận làm giám quốc. Nặc Nhuận còn đang lo để xin Chúa Nguyễn phong cho làm vua, thì bị người con rể là Nặc Hinh giết đi, rồi cướp lấy ngôi làm vua.

Quan Tổng suất là Trương Phúc Du thừa kế sang đánh, Nặc Hinh thua chạy bị thuộc hạ giết chết, bấy giờ con Nặc Nhuận là Nặc Tôn chạy sang nhờ Mạc Thiên Tứ ở Hà Tiên. Mạc Thiên Tứ dâng thư về xin lập Nặc Tôn làm vua Chân Lạp. Chúa Nguyễn thuận cho, sai Thiên Tứ đem Nặc Tôn về nước.

Nặc Tôn dâng đất Tầm Phong Long để tạ ơn chúa Nguyễn. Chúa bèn sai ông Trương Phúc Du và Nguyễn Cư Trinh đem dinh Long Hồ về xứ Tầm Bào, tức là chỗ tỉnh lỵ tỉnh Vĩnh Long bây giờ, và lại đặt ra ba đạo là Đông Khẩu đạo ở Đồng Tháp, Tân Châu đạo ở Tiền Giang và Châu Đốc đạo ở An Giang.

Nặc Tôn lại dâng 5 phủ là Hương Úc, Cần Bột, Trực Sâm, Sài Mạt và Linh Quỳnh để tạ ơn Mạc Thiên Tứ. Mạc Thiên Tứ đem những đất ấy dâng chúa Nguyễn, chúa cho nhập trấn Hà Tiên để cai quản.

Giao thiệp với Xiêm La

Giao thiệp với Trung Quốc

Năm 1702, chúa Nguyễn Phúc Chu thấy giang sơn Đàng Trong đã ổn định, đủ sức chống đối với Đàng Ngoài mà không cần e dè ẩn núp dưới chiêu bài phù Lê như xưa nữa, đã cho cử một đoàn sứ bộ mang đồ tiến cống và một tờ biểu sang Quảng Đông xin cầu phong với phương Bắc, lúc này đang đặt dưới sự cai trị của nhà Thanh. Triều đình nhà Thanh lúc đó vẫn đang công nhận vua Lê nên không đồng ý nhận cầu phong của chúa Nguyễn và cho đem trả lại đồ tiến cống. Nguyễn Phúc Chu xưng là Quốc chúa (chữ Hán: 國主) và cho đúc Kim bảo ấn Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo để làm ấn vàng truyền quốc. Đây là chiếc ấn truyền quốc duy nhất của các triều đại phong kiến Việt Nam còn được lưu truyền tới thời nay và hiện đang được lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.[8].

Giao thiệp với Tây phương

Các đời Chúa Nguyễn đầu tiên có chính sách tương đối cởi mở với các thương nhân Tây phương. Từ thời chúa Sãi – Thụy quận công Nguyễn Phúc Nguyên (16131635), người Hà Lan đã đến Đàng Trong buôn bán. Họ tụ tập ở Hội An, mở thương cuộc lớn. Cùng lúc đó nhà Minh có lệnh cấm xuất cảng một số mặt hàng, còn Nhật Bản dưới quyền của Mạc phủ Tokugawa cũng có lệnh Tỏa Quốc nên việc giao thương phải qua trung gian thứ ba. Trung gian đó là hải cảng Hội An nơi người Hà Lan mua bán hàng hóa Tàu và Nhật, cùng trao đổi sản vật Đàng Trong[9].

Khoảng 1640, có sự tranh chấp với người Hà Lan, có lẽ vì tình nghi họ buôn bán khí giới và làm gián điệp cho chúa TrịnhĐàng Ngoài nên có lệnh trục xuất và dẹp thương cuộc Hà Lan ở Hội An, hàng hóa bị đốt. Năm 1644, ba tàu chiến Hà Lan đến ngoài khơi cửa Thuận An do Baeck chỉ huy muốn trả thù. Sáu chiến thuyền Đàng Trong ra nghênh chiến dưới quyền của thế tử Nguyễn Phúc Tần. Hai tàu chiến Hà Lan bị đánh đắm, chiếc thứ ba giong buồm thoát được ra Bắc. Chúa Nguyễn từ đó ra lệnh nghiêm cấm không cho người Hà Lan lui tới và cũng cấm thần dân Đàng Trong không được buôn bán với người Hà Lan[9].